CHỌN ĐẤT
- Cây ca cao không kén đất, nhưng yêu cầu đất có tầng canh tác dày trên 30 cm, mạch nước ngầm sâu trên 1,5 m (Chú ý: đất phải thoát nước), độ PH >5,? nếu chua cần bón thêm vôi. Cây ca cao có thể trồng trên đất dốc 45°. Ngoài đất Bazan thì đất phù sa cổ, đất cát phù sa ven sông, đất đen, đất mùn trên núi, thậm chí đất xen đá cũng có thể trồng Ca cao tốt. - Thời vụ trồng: Thời vụ trồng tốt nhất là khi mưa đều, từ tháng 5 đến 15/7 dương lịch, chậm nhất là 15/8 đối với vùng M'Đrăk, Ea Kar và phía đông huyện Krông Bông. Nếu trồng muộn cần phải chủ động tưới trong mùa khô. - Mật độ, khoảng cách trồng: Đối với vùng đất tốt, nhiều mùn: Trồng mật độ 3 x 3 m hoặc 3,5 x 3 m. Đối với vùng đất xấu: Trồng mật độ 3 x 2,5 m hoặc 2,5 x 2,5 m. Đất có độ dốc phải trồng theo đường đồng mức. Đất ít có khả năng tưới nước phải trồng cây che bóng vĩnh viễn bằng các loại cây như keo dậu, cây anh đào, xoan.... Không nên trồng xen các loại cây có cùng loại bệnh hại trên cây ca cao như bệnh Phytophthora, sâu đục quả...(sầu riêng, cao su, chôm chôm, xoài, điều, mít...). Nếu có trồng các loại cây đó thì trồng theo băng vừa đa dạng hóa sản phẩm, vừa làm cây chắn gió. |
ĐÀO HỐ
- Hố được đào tùy theo tính chất đất, thông thường hố được đào trước 1 tháng. - Kích thước hố đào 50 x 50 x 50 cm hoặc 40 x 40 x 40 cm (dài rộng, sâu). - Đối với đất có độ dày canh tác thấp dưới 30 cm, tầng đất phía dưới gặp sét cần đào hố rộng và sâu hơn hố bình thường. - Khi đào hố tầng canh tác (lớp đất mặt) để qua 1 bên, tầng dưới để qua 1 bên. Khi trộn hỗn hợp phân + đất lấp hố cần lấy lớp đất mặt để trộn. |
CÂY CHE BÓNG VÀ CÂY CHẮN GIÓ - Cây chắn gió: Mùa khô ở DakLak do ảnh hưởng của gió mùa Đông bắc hình thành các đợt gió mạnh làm cây ca cao xơ xác (lá ca cao to bị đánh rách và bị rụng). Gió mạnh gây gãy cành làm tổn thương đến quá trình sinh trưởng của cây gây thiệt hại về năng suất. Do đó cần trồng cây chắn gió cho cây ca cao bằng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả (trồng theo băng tùy theo địa hình). Nếu đất mới khai hoang từ rừng thưa cần khai hoang theo băng để cây rừng làm cây chắn gió . - Cây che bóng: Qua kết quả nghiên cứu ở một số nước, vườn ca cao không có cây che bóng cho năng suất cao hơn vườn ca cao có cây che bóng. Tuy vậy trong giai đoạn kiến thiết cơ bản rất cần cây che bóng, sau đó tỉa bỏ dần. Song tính bền vững của vườn ca cao không có cây che bóng thấp hơn vườn có cây che bóng như tuổi thọ, bình quân năng suất trong thời kỳ kinh doanh, sâu bệnh hại nhiều hơn, đầu tư chi phí lớn hơn. Ở tỉnh ta, do điều kiện khí hậu đã nêu ở trên, đòi hỏi vườn cây ca cao phải có cây che bóng. Tốt nhất trồng cây che bóng vĩnh viễn bằng các loại cây họ đậu, rễ ăn sâu, lá thưa và không rụng lá trong mùa khô như cây keo dậu, cây trôm mủ, cây núc nác, cây lồng mức. Đảm bảo độ che phủ cho vườn ca cao có ánh sáng hợp lý 40 - 50%. - Cây che bóng tạm thời: Có thể tận dụng trồng xen ca cao trong vườn cây ăn quả, vườn điều, vườn cà phê có năng suất thấp, sau đó tỉa bỏ dần thay thế bằng cây che bóng mới. Đối với đất trống muốn trồng cây ca cao, dùng các loại cây như muồng hoa vàng, cốt khí, đậu săng, chuối trồng sớm trước khi trồng ca cao. Gieo cách gốc ca cao 1,0 - 1,5 m theo hướng gió chính. Chú ý: Dù mùa mưa hay nắng khi trồng cây ca cao xong phải che túp ngay. Vật liệu dùng che túp là các vật liệu sẵn có ở địa phương như tranh, lá chuối, cây ngô, bao xác rắn...(Lưu ý: Khi che, đảm bảo cho phần ngọn không được che kín quá hoặc thấp quá). |
BÓN PHÂN CHO CÂY CACAO
- Bón lót: · Phân chuồng: 5 - 10 m3/ha. · Vôi bột: 300 - 500 kg/ha. · Phân lân VĐ: 200 - 300 kg/ha. (Trộn đều với lớp đất mặt, lấp ngay vào hố trước khi trồng). - Bón thúc: Nên dùng phân hỗn hợp NPK. · Đối với đất chưa trồng cây công nghiệp (cà phê) nên dùng phân NPK 16:16:8 (tỷ lệ 1:1:0,5). · Đối với đất đang trồng cây công nghiệp, cần chuyển đổi qua trồng cây ?Ca cao nên dùng phân NPK 16:8:16 (tỷ lệ 1:0,5:1) - Liều lượng phân bón: · Trồng mới: NPK 16:16:8: 200 - 250 kg/ha. · Năm 1: NPK 16:16:8: 400 - 500 kg/ha. · Năm 2: NPK 16:16:8: 700 - 800 kg/ha. · Năm 3: NPK 16:16:8: 900 - 1.000 kg/ha. - Thời gian bón: · Trồng mới: Chia nhỏ lượng phân trên, mỗi tháng bón 1 lần. · Năm 1, 2 và 3: Bón vào tháng 5, 7, 9. - Chú ý: Cây tốt bón ít, cây xấu bón nhiều. |
CÁCH BÓN - Cây Ca cao trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây chưa giao tán) cần xới nhẹ quanh tán, bón xong lấp đất lại. - Khi cây Ca cao giao tán chỉ cần cào lá, bón phân xong lấp lá lại. - Cần dùng thêm phân bón lá có chứa các nguyên tố trung và vi lượng phun 2 - 3/lít /ha/năm (nên chọn các loại phân bón lá có hàm lượng kẽm cao) |
KỸ THUẬT TRỒNG Trộn đều hỗn hợp đất + phân chuồng hoai + lân VĐ + vôi bột trong hố (kết hợp phun thuốc Lenfos 50EC trừ mối). Cắt đáy bầu khoảng 1cm, rạch túi bầu và cho vào hố trồng theo chiều thẳng đứng (trồng ngang mặt đất). Dồn đất xuống và dùng tay ấn chặt xung quanh bầu. Tránh làm bể bầu, tỷ lệ cây chết cao. Tạo bồn phía ngoài hố để tưới (tưới dí), sâu 20 cm, rộng 40 cm. Chú ý: Do bộ rễ cây ca cao phát triển từ 0 - 20 cm, vì vậy không nên trồng âm đặc biệt những vùng đất thoát nước kém. |
KỸ THUẬT BẤM CÀNH, TẠO HÌNH - Về nguyên tắc chung: Phải thông thoáng phía dưới, phía trên phải có độ che bóng cho thân phía dưới. Việc tạo tán rất đa dạng tùy thuộc vào từng cây, do đó cần phải xem xét kỹ hình dáng cây Ca cao để tạo hình, song phải đảm bảo tán cây phân bổ đều các phía, không có cành cao quá hay thấp quá, nên để từ 3 - 5 cành (cây thực sinh) hoặc 3 - 5 thân (cây ghép). Nếu để thân hoặc cành quá dày dẫn đến hoa ít, năng suất thấp. - Cây trồng thực sinh: · Không để cây ra thân, chỉ để một thân duy nhất. Độ cao phân cành tốt nhất là 1,4 - 1,6 m. Cần tỉa chồi vượt thường xuyên. · Trường hợp cây Ca cao phân cành thấp (không có cây che bóng, che túp hoặc thiếu dinh dưỡng) bấm ngọn nuôi chồi vượt phía trên (1 - 2 chồi khoẻ phía trên ngọn, sau tỉa bớt để lại 1 chồi theo hướng thẳng đứng). Phương pháp này hạn chế thực hiện, tốt nhất sau khi trồng phải được che túp. - Cây ghép: · Khi trồng bầu mắt ghép phải có cây tạm (cây khô, tre nứa) để buộc cho mắt ghép thẳng đứng (chú ý không buộc quá chặt và buộc bằng dây mềm). · Nên tỉa bớt cành nằm sát mặt đất. Nếu cành phát triển cùng một phía, nên hãm ngọn để cành ngang phát triển đều các phía (khi hãm ngọn cần tỉa bớt cành yếu theo kiểu cách đều hai bên, nên để 3 - 5 cành). *Lưu ý: Phải loại bỏ những cành tăm, cành mọc xiên vào phía trong tán, cành mọc quá gần nhau. Thời gian bấm cành, tạo hình phải thường xuyên, song các năm đầu sau trồng (1 - 2 năm) phải cẩn thận với việc tạo hình. Nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển sau này. |
VIDEO KỸ THUÂT TRỒNG CACAO
☼ Tài liệu dùng để hướng dẫn kỹ thuật canh tác và sơ chế Cacao. Có sử dụng một số hình ảnh của các đồng nghiệp trong ngành Cacao Việt Nam ☼ |
|
|